Friday, January 11, 2013
QUẢN TRỊ CHIẾN LƯỢC VÀ TẦM NHÌN XA…LẮC
Cứ đến cuối năm cũ, đầu năm mới là người ta lại hay nghĩ về…những năm tiếp theo! Mặc dù trời đất vẫn thế, cứ hết mưa là nắng, hết ngày là đêm. Câu chuyện về thời gian tâm lý của con người là một câu chuyện thú vị, nhưng thôi, để dành khi khác…
Câu hỏi mà người ta vẫn tự hỏi mình vào mỗi dịp cuối năm là: “Năm sau mình sẽ ra sao?”. “Ra sao” thôi, chứngười ta chưa vội quan tâm đến làm gì, vì trạng thái vẫn là cái đáng quan tâm hơn quá trình. “Biết ra sao ngày sau!” Tương lai là chuyện nghìn đời không dự báo được, bất chấp mong muốn của hàng tỷ con người đang sống, ai cũng muốn biết trước tương lai của mình. Thế mà người ta cứ muốn trả lời cho bằng được, hay ít ra cũng cố mường tượng trước xem mình sẽ ra sao: Già hơn nhiều không? Có chồng, có vợ chưa? Gia đình thế nào? Kiếm thêm được bao nhiêu tiền?
Nếu chỉ là nghĩ về tương lai và chờ đợi thì khoa học quản lý chưa có chỗ để bước vào. Chỉ đến khi chúng ta đặt ra cho mình một mong muốn rõ ràng, tức là tự bảo với mình rằng đến ngày ấy - tháng ấy - năm ấy mình sẽ trở thành cái-gì-đấy thì bắt đầu có chuyện để bàn. Hơn thế nữa, còn phải chỉ ra là làm thế nào để trở thành cái-gì-đấy nữa thì mới gọi là được.
Cái-gì-đấy chính là tầm nhìn (vision) theo ngôn ngữ của môn quản trị chiến lược. Một khi đã nói đến khoa học thì mọi thứ cần được nhắc đến với một mức độ rõ ràng nào đó, chứ không thể chung chung và mơ hồ. Ngay cả những thứ rất trừu tượng cũng cần phải được diễn giải một cách…cụ thể (specific). Tầm nhìn cũng vậy. “Giàu” hay “tốt” chung chung đều là chưa ổn, mà phải cụ thể nữa: Có bao nhiêu tiền hay được bao nhiêu người ghi nhận - và công nhận.
Tầm nhìn chính là ước mơ; nó có một số đặc điểm như…mơ: thứ nhất là nó không thật; thứ hai là nó rất lãng mạn và thứ ba là nó xa xôi.
Làm gì có ước mơ nào thật đâu; thế mới gọi là…mơ! Những gì ta thấy trong mơ có đến trong thực tế hay không còn tùy vào nhiều điều kiện lắm; trong mọi hoàn cảnh, chẳng khi nào mơ và thực lại trùng khít lên nhau, cho dù ta có khát khao và nỗ lực đến mấy chăng nữa. Lúc mà chúng ta kể về giấc mơ của mình cho mọi người thì thường ai cũng lắng nghe để rồi người thì vỗ tay động viên, kẻ thì len lén ném một cái nhìn là lạ rồi quay đi. Cái hôm ta trình bày về tầm nhìn của công ty mình cũng vậy: phần đông những người xung quanh sẽ tự nghĩ trong đầu họ rằng “nghe thế thì biết thế thôi!”.
Không lãng mạn thì không phải là…mơ; không bay bổng thì không phải là tầm nhìn! Chả ai dại gì lại đi mơ cái mà mình chỉ với tay ra là lấy được ngay. Đã mơ là phải mơ có được cái rất khó có. Thì chúng ta vẫn nói với nhau đấy thôi, chả ai đánh thuế giấc mơ, nên khi mơ thì phải mơ thật lớn vào! Có lẽ vì thế mà hầu hết các phát biểu tầm nhìn của các công ty đều có những chữ như “hàng đầu”, rồi “nhất”, mặc dù có khi chúng ta cũng không kịp để ý xem hàng đầu là hàng nào và nhất so với ai. Mở ngoặc, là có khi tính khiêm tốn cũng lên tiếng, nên rất nhiều phát biểu tầm nhìn sẽ được nói giảm đi, đại thể sẽ là: “Chúng tôi sẽ trở thành một-trong-những [gì đó] hàng đầu”. Kể ra cũng là khiêm tốn…không cần thiết; mơ gì cứ nói hẳn ra như thế để biết mà phấn đấu, nên chăng là như vậy!
Khung thời gian của tầm nhìn là chuyện rất hay gây tranh cãi. Cãi là ở chỗ này: Ai cũng biết rõ là không bao giờ nên đặt tầm nhìn cho ngày mai, tức là 24 giờ nữa đấy, vì gần quá, không cần phải gọi nó bằng một cái tên quá lớn lao; nhưng khi hỏi rằng nên đặt tầm nhìn cho khoảng thời gian bao xa – 3 năm, 5 năm hay dài hơn nữa – thì hầu hết chúng ta đều băn khoăn. Có qui tắc nào rõ ràng cho việc này không? Hình như là không. Chỉ biết rằng chuyện này phụ thuộc nhiều vào đặc điểm của ngành nghề và qui mô của việc làm. Như thế thì trên thực tế sẽ có những tầm nhìn ngăn ngắn, có những tầm nhìn dài dài và có những tầm nhìn xa lăng lắc!
Quay lại với chuyện cái-gì-đấy. Ý nghĩa của việc nhìn thấy và diễn tả được ước mơ của mình là để tập trung huy động nguồn lực và khéo léo vận động nhằm biến nó thành hiện thực, để biến những thứ chúng ta có hôm nay và những thứ tích lũy dọc đường thành cái-gì-đấy vào một ngày nào đó trong tương lai, vì thế rất cần chỉ rõ cái-gì-đấy là cái gì. Nói là nói vậy, chứ cũng khó lắm. Muốn làm được như vậy thì có lẽ chúng ta phải biết mình sinh ra trên đời này là để làm gì, ở một phía khác: Công ty chúng ta sinh ra để làm gì. Cái đó gọi là sứ mệnh (mission), cũng lại theo ngôn ngữ của môn quản trị chiến lược.
Nếu sứ mệnh của ta sinh ra là để làm anh đánh giầy, thì tầm nhìn cho 05 năm tới rất có thể là “Tay-đánh-giầy-số-1-ở-trước-Công-viên-30-4”. Nếu công ty chúng ta lập ra là để bán hoa thì tầm nhìn cho 05 năm tới có thể là “Công-ty-bán-hoa-số-1-ở-Sài-gòn”.
Sau khi xác định được tầm nhìn thì việc còn lại chỉ là hiện thực tầm nhìn ấy nữa mà thôi! Cái phát biểu giản dị và ngắn gọn ấy có khi lấy mất đi cuộc đời của một con người chứ chẳng phải chơi đâu! Bằng chứng là có người sinh ra cả đời chỉ theo đuổi một giấc mơ để rồi đến cuối cùng nhìn lại thấy năm tháng của mình biến mất đi đâu lúc nào! Như thế thì có sao không? Câu trả lời một lần nữa sẽ là lỏng lẻo: “Sao hay không thì còn … tùy!”. Để rồi tự mỗi người chúng ta sẽ phải làm cho câu trả lời trở nên chặt chẽ hơn theo cách của mình mà thôi!
Bài viết của Vũ Thái Hà.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
No comments :
Post a Comment